Nhìn vào số điểm cao ngất ngưởng của các thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2008, hẳn nhiều thí sinh năm nay băn khoăn: họ ôn thi ra sao?
Hãy nghe các thủ khoa chia sẻ kinh nghiệm.
Tự học
Năm 2008, Nguyễn Thị Thu Hồng là một trong 2 học sinh của lớp 12 chuyên Toán - ĐH Quốc gia Hà Nội cùng lúc trở thành thủ khoa của hai trường: ĐH Dược Hà Nội (khối A) với số điểm tuyệt đối 30 và ĐH Răng - Hàm - Mặt (khối B) với 29,5 điểm. 12 năm là học sinh giỏi, bí quyết thành công của Thu Hồng chỉ là tự học. Hồng cho biết: "Mẹ chỉ kiểm tra bài vở năm mình học lớp 1, còn sau đó mình phải tự nỗ lực.
Quá trình tự học nuôi dưỡng niềm say mê khám phá kiến thức". Không đi học thêm ở đâu ngoài giờ học ở trường, nguyên tắc của Hồng là cố gắng nắm vững kiến thức ngay trong quá trình học. Vì thế thời điểm nhiều học sinh khác lao vào ôn thi thì Hồng lại yên tâm với vốn kiến thức cơ bản chắc chắn.
Đồng thủ khoa trường ĐH Dược Hà Nội Trịnh Ngọc Dương (đạt 30 điểm) cũng chia sẻ: “Một ngày, mình dành ra 5-6 tiếng đồng hồ để tự học.
Do buổi sáng bận học ở lớp nên buổi chiều mình tự học khoảng 3 tiếng, buổi tối lại tiếp tục dành bằng đó thời gian để học bài rồi mới đi ngủ”. Không chỉ đậu thủ khoa trường ĐH Dược, Dương còn đậu cả trường ĐH Y Hà Nội với số điểm rất cao (28,5 điểm).
Còn Lê Thanh Tùng - thủ khoa trường ĐH Ngoại thương Hà Nội với số điểm tuyệt đối (30 điểm), thì tiết lộ: “Ngoài việc tiếp thu kiến thức trên lớp, chủ yếu mình dành thời gian tự học ở nhà, không tham gia các lớp học thêm ở trường và các lò luyện thi”.
Học qua mạng
Nguyễn Thanh Hải - người cũng có cùng số điểm tuyệt đối với Tùng trong danh sách những thí sinh đậu vào trường ĐH Ngoại thương Hà Nội năm 2008, cho hay luôn tuân thủ nguyên tắc 4 bước: nắm chắc lý thuyết bằng cách nghe giảng trên lớp; làm bài tập tự luận; luyện tập và làm quen với các bài thi trắc nghiệm qua mạng; chạy nước rút (áp dụng phương pháp học trực tuyến trong giai đoạn này mang lại hiệu quả cao nhất).
Trước thời điểm thi tốt nghiệp THPT, Hải đã tham gia thi thử tốt nghiệp trên mạng và đoạt giải thi tuần, rồi giải khuyến khích vòng thi chung kết. Đến khi tham gia kỳ thi thử ĐH trên mạng, Hải tiếp tục giành luôn giải nhất tuần.
Hải bật mí: “Khi làm bài thi, điều quan trọng nhất để đạt điểm cao là ngoài việc nắm chắc kiến thức cơ bản còn phải bình tĩnh, trình bày bài thi cẩn thận, khoa học”.
Thủ khoa trường ĐH Luật Hà Nội Trịnh Thị Nhật (Hà Đông - Hà Nội) cũng có cùng “bí kíp” học ôn thi qua mạng như Hải. Nhật nói: “Qua nhiều lần làm bài thi ĐH thử trên mạng, mình thấy thuận lợi lớn nhất là khống chế được thời gian, làm được nhiều đề trắc nghiệm”.
Nói về phương pháp ôn thi của mình, thủ khoa trường ĐH Bách khoa Hà Nội (29,75 điểm) Đỗ Danh Hòa thật thà bảo: “Mình làm rất nhiều bài tập. Gặp những bài tập khó, mình làm đi làm lại nhiều lần để ghi nhớ những công thức, tìm cách giải mới cho những bài tập này”. Cũng theo Hòa, ngoài giờ học ở trường, mỗi ngày bản thân chỉ học 3 tiếng, sách sử dụng chủ yếu là sách giáo khoa, còn lại đi mượn một số tài liệu tham khảo để đọc thêm.
NGUYỄN VIẾT CÔNG, thủ khoa ĐH Hải Phòng năm 2007: Môn Sử không phải chỉ học thuộc lòng
“Với môn Sử, nhiều bạn cho rằng chỉ cần học thuộc lòng các sự kiện là có thể đi thi ĐH được rồi - điều này không đúng, vì bạn còn phải có tư duy logic để xâu chuỗi các sự kiện với nhau theo trình tự thời gian mà nó diễn ra. Để học môn Sử, mình thường phân chia Lịch sử thế giới và Việt Nam ra thành từng giai đoạn cụ thể.
Trong mỗi giai đoạn lại phân ra các sự kiện chính, rồi lập bảng nêu rõ thời gian, nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa của sự kiện. Cứ như vậy, khi học kiến thức sẽ được sắp xếp một cách có trình tự, có sự liên kết với nhau và đặc biệt là trở nên dễ hiểu” -
TRẦN THÙY MAI LAN, thủ khoa ĐH Luật Hà Nội năm 2008: Học nhóm hiệu quả cao
“Học nhóm là phương pháp giúp việc học các môn khối C có hiệu quả rất cao. Khi học nhóm thì mỗi nhóm chỉ nên có từ 2 - 3 thành viên bởi nếu quá nhiều người trong một nhóm sẽ làm giảm đi chất lượng học.
Học nhóm vừa nhanh, lại vừa dễ hiểu hơn bởi khi có vấn đề nào không hiểu có thể hỏi bạn hoặc thầy cô ngay. Chẳng hạn như học môn Địa lý, nhiều phần vẽ biểu đồ, tính toán khá rắc rối, nếu tự mình làm nhiều khi sẽ rất dễ bị nhầm nhưng nếu học nhóm thì có thể hỏi bạn hoặc cùng nhau tranh luận để tìm ra đáp án cuối cùng. Học nhóm không chỉ phát huy sở trường mỗi người mà còn bổ sung kiến thức cho nhau.[♪♫]
Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải nắm vững kiến thức cơ bản. Bởi khi có kiến thức cơ bản rồi bạn có thể làm tất cả các dạng câu hỏi dù dễ hay khó”